6 XU HƯỚNG CÔNG NGHỆ NỔI BẬT TRONG NĂM 2025 CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT?

Năm 2025 chứng kiến những bước tiến vượt bậc trong công nghệ, từ AI tiên tiến đến các phát minh đột phá. Những xu hướng này không chỉ thay đổi cách chúng ta làm việc, giao tiếp mà còn định hình tương lai toàn cầu. Để không bị bỏ lại phía sau, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng những công nghệ mới nhất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Hãy cùng MH Solution khám phá 6 công nghệ nổi bật nhất năm nay!

1. Truyền thông tổng hợp - AI trở thành nhà sáng tạo nội dung

Truyền thông tổng hợp hay còn gọi là Synthetic Media, đề cập đến những nội dung được tạo ra hoàn toàn hoặc phần lớn bằng AI, thay vì con người. Những nội dung này bao gồm video, hình ảnh, âm thanh và văn bản do AI tạo ra, có thể mô phỏng con người hoặc tạo ra các nhân vật ảo.

Một ví dụ điển hình là vào tháng 10/2024, đài phát thanh OFF Radio Krakow ở Ba Lan đã thử nghiệm sử dụng ba phát thanh viên ảo: Emi, Kuba và Alex do AI tạo ra. Những người dẫn chương trình này không phải con người mà được lập trình dựa trên mô tả của các nhà báo trong đài. Mặc dù mục tiêu của họ là thu hút đối tượng khán giả trẻ và năng động, nhưng phản ứng của công chúng lại trái chiều. Chỉ sau một tuần, đài phát thanh này đã quyết định dừng thử nghiệm.

(Hình ảnh của ba 'người dẫn chương trình' AI (từ trái qua): Jakub "Kuba" Zieliński, AI "Alex" Szulc và Emila "Emi" Nowak)

Dù vậy, đây có thể chỉ là bước thử nghiệm đầu tiên. Khi AI ngày càng tiến bộ, truyền thông tổng hợp có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực như sản xuất nội dung số, quảng cáo và thậm chí cả truyền hình. Những MC, KOL ảo, ca sĩ AI hay video tự động có thể sẽ trở thành xu hướng mới, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và cá nhân hóa nội dung theo sở thích người dùng.

2. Công nghệ xe tự lái tiến gần hơn đến thực tế

Sau nhiều năm thử nghiệm, xe tự lái đang dần bước vào giai đoạn thương mại hóa thực sự. Tesla, Waymo và nhiều công ty ô tô khác (ở Trung Quốc) đang hoàn thiện công nghệ giúp xe có thể tự vận hành an toàn trên đường phố mà không cần sự điều khiển của con người. Sự kết hợp giữa AI, cảm biến LiDAR và hệ thống giao tiếp thông minh sẽ giúp xe tự lái trở thành một phần quen thuộc của giao thông đô thị trong tương lai gần.

Một dẫn chứng thực tế cho công nghệ mới này: Vào ngày 31/12, Bắc Kinh - Trung Quốc đã thông qua các quy định mới nhằm thúc đẩy công nghệ lái xe tự động trong thành phố, với kế hoạch cho phép xe buýt công cộng và taxi không người lái hoạt động trong tương lai. Theo báo cáo của tờ Beijing Daily, từ ngày 1/4/2025, các phương tiện tự hành vượt qua thử nghiệm đường bộ và đánh giá an toàn sẽ được phép đăng ký thử nghiệm trên đường phố. 

 

Hiện tại, ít nhất 19 thành phố ở Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm robotaxi và robobus. Các công ty như Apollo Go (một công ty con của Baidu), Pony.ai, WeRide, AutoX và SAIC Motor đang tích cực mở rộng đội xe robotaxi của họ. Cụ thể, Pony.ai có kế hoạch mở rộng đội xe robotaxi trên toàn quốc lên hơn 1.000 chiếc vào năm 2026, tăng từ 250 chiếc trong năm nay. 

Ngoài ra, gã khổng lồ xe điện Hoa Kỳ, Tesla (TSLA.O), dự kiến sẽ triển khai tính năng tự lái hoàn toàn (Full Self-Driving - FSD) tại Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2025, tùy thuộc vào sự phê duyệt của cơ quan quản lý. Hãng cũng đã thông báo kế hoạch bắt đầu sản xuất robotaxi của riêng mình vào năm 2026.

Tuy nhiên, việc triển khai xe tự lái không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Vào ngày 5/3/2025, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một chiếc Tesla Model X trị giá 7 tỷ đồng gặp sự cố khi thử nghiệm chế độ tự lái tại Việt Nam. Sau khi dùng chế độ tự động lái, chiếc xe này đã phải chạy lại phần mềm. Sự việc này nhấn mạnh thách thức trong việc triển khai xe tự lái tại các quốc gia có hạ tầng giao thông phức tạp.

(Hình ảnh chiếc xe tự lái Tesla Model X tại Việt Nam - Nguồn: Internet)

Trên toàn cầu, mặc dù công nghệ xe tự lái đang tiến bộ nhanh chóng với sự đầu tư mạnh mẽ từ nhiều hãng xe lớn, việc áp dụng rộng rãi vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, tại các quốc gia như Việt Nam, nơi hạ tầng giao thông và khung pháp lý chưa hoàn thiện, việc triển khai xe tự lái đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thích ứng với điều kiện thực tế.

3. Năng lượng hạt nhân cho hạ tầng AI

Có thể bạn biết, AI bên cạnh là chatbot hỗ trợ chúng ta thường ngày, thì còn có rất nhiều ứng dụng khác như xử lý big data, tự động hóa,... và tất cả những ứng dụng này tiêu tốn một lượng điện năng khổng lồ.

Trong bối cảnh đó, năng lượng hạt nhân được dự đoán sẽ đóng vai trò quan trọng vào năm 2025, khi nhu cầu về nguồn điện ổn định, sạch và bền vững ngày càng tăng. Không giống như điện mặt trời hay điện gió vốn phụ thuộc vào thời tiết, điện hạt nhân cung cấp nguồn năng lượng liên tục, giúp đảm bảo sự vận hành của các hệ thống AI quy mô lớn.

Sự bùng nổ của AI đang thúc đẩy các tập đoàn công nghệ đầu tư vào năng lượng hạt nhân, từ đổi mới công nghệ lò phản ứng đến tối ưu hóa quy trình quản lý chất thải phóng xạ. Khi các nguồn năng lượng tái tạo truyền thống không thể đáp ứng đủ, hạt nhân sẽ trở thành giải pháp giúp duy trì tốc độ phát triển của AI và các công nghệ tiêu tốn năng lượng cao.

4. AI có khả năng tự hoạt động (Agentic AI)

Trước đây, AI chỉ có thể trả lời theo dạng “hỏi gì đáp nấy” (như Chat GPT bây giờ).

Nhưng Agentic AI đã cải tiến hơn, có thể tự lên kế hoạch, đưa ra quyết định và thực hiện công việc mà không cần con người giám sát liên tục.

Gartner đã gọi AI tác nhân (Agentic AI) là xu hướng công nghệ hàng đầu năm 2025. Thuật ngữ này đề cập đến các “tác nhân” máy móc tự động có khả năng hoạt động vượt xa mô hình hỏi đáp của chatbot tạo sinh. Những tác nhân này có thể thực hiện các nhiệm vụ trong doanh nghiệp một cách độc lập mà không cần sự can thiệp của con người.

Một trong những ứng dụng nổi bật của Agentic AI là trong lĩnh vực tự động hóa quy trình doanh nghiệp thông qua RPA (Robotic Process Automation). Công nghệ này giúp AI thực hiện các tác vụ lặp đi lặp lại như nhập dữ liệu, xử lý hóa đơn hay quản lý chuỗi cung ứng mà không cần nhân sự giám sát liên tục. Hơn nữa, các trợ lý ảo thông minh cũng đang được nâng cấp nhờ agentic AI, giúp chúng không chỉ trả lời câu hỏi mà còn có thể chủ động sắp xếp lịch trình, tối ưu công việc và đưa ra gợi ý phù hợp dựa trên thói quen của người dùng.

Sự phát triển của agentic AI hứa hẹn sẽ thay đổi cách con người tương tác với công nghệ, mở ra một kỷ nguyên mới, nơi máy móc không chỉ hỗ trợ mà còn có thể tự vận hành một cách hiệu quả.

5. Công nghệ thực tế mở rộng (Extended Reality - XR)

Thực tế mở rộng (XR) là thuật ngữ bao trùm các công nghệ như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và thực tế hỗn hợp (MR). Xu hướng này cũng được dự đoán sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong giáo dục, đào tạo, bán lẻ và giải trí vào năm 2025.

Ví dụ về một số ứng dụng của XR trong từng lĩnh vực: Trong giáo dục, XR có thể giúp học sinh "du hành thời gian" để trải nghiệm các sự kiện lịch sử trong môi trường ảo sống động. Trong lĩnh vực kỹ thuật, thợ sửa chữa có thể sử dụng AR để nhìn thấy bản vẽ 3D ngay trên thiết bị thực tế, giúp họ thao tác chính xác hơn.

XR kết hợp VR và thực tế hỗn hợp (MR). Công nghệ này đặc biệt hữu ích trong các lĩnh vực mà sai sót của con người có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Khi được phát triển và phân phối hợp lý, XR không chỉ tối ưu hóa chi phí đào tạo mà còn cải thiện chất lượng đào tạo và mức độ gắn kết của nhân viên mới.

6. An ninh mạng với AI

Trong năm 2025, an ninh mạng sẽ bước sang một giai đoạn mới với những cải tiến mạnh mẽ để đối phó với các mối đe dọa ngày càng tinh vi. Trí tuệ nhân tạo (AI) giúp con người làm việc hiệu quả hơn nhưng vẫn đâu đó tiềm ẩn nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng để tạo ra các cuộc tấn công mạng phức tạp, nhanh chóng và khó phát hiện hơn trước. Để đối phó với điều này, các hệ thống bảo mật cũng phải sử dụng AI để giám sát liên tục, phát hiện bất thường và phản ứng ngay lập tức khi có nguy cơ bị tấn công.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của máy tính lượng tử một loại máy tính có sức mạnh xử lý vượt trội so với máy tính thông thường các phương pháp mã hóa dữ liệu hiện tại có nguy cơ bị phá vỡ. Điều này khiến các nhà nghiên cứu tập trung phát triển mật mã hậu lượng tử (Post Quantum Cryptography), một công nghệ mã hóa mới có khả năng chống lại các cuộc tấn công từ máy tính lượng tử, giúp bảo vệ dữ liệu quan trọng như tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân và dữ liệu doanh nghiệp.

Ngoài ra, công nghệ sinh trắc học bao gồm nhận diện khuôn mặt, quét mống mắt, phân tích giọng nói và dấu vân tay sẽ ngày càng phổ biến để xác thực danh tính một cách an toàn hơn. Khi kết hợp với AI, các hệ thống này sẽ trở nên thông minh hơn, có thể nhận diện người dùng chính xác hơn và phát hiện các hành vi giả mạo tinh vi, giảm thiểu nguy cơ bị đánh cắp danh tính hay tấn công bằng hình thức lừa đảo.

Năm 2025 đánh dấu một kỷ nguyên công nghệ mới, nơi AI, xe tự lái, XR và những đột phá khác không còn là viễn tưởng mà đang dần trở thành hiện thực. Những xu hướng này không chỉ thay đổi cách chúng ta làm việc, tương tác với nhau mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp và xã hội. 

MH Solution đã nắm bắt được các xu hướng này và đang ứng dụng nó. Còn doanh nghiệp của bạn thì sao? Bạn đã sẵn sàng gia nhập vào kỷ nguyên mới này chưa?